Có lẽ vì địa hình hiểm trở, giao thương khó khăn, nên rất ít nhà văn VN viết từ Tây Bắc, viết về thượng du Bắc Việt.
Lan Khai với serie truyện trinh thám đường rừng khá mờ nhạt, chỉ ngang tầm feulleton đọc cho vui.
Nguyễn Tuân, Tô Hoài khá hơn, nhiều chi tiết thú vị. Nhưng tổng thể vẫn là cái sự bưng bô rất khéo, ca ngợi “vẻ đẹp con người trong lao động”, “Tán dương tổ quốc đẹp giàu” hay “tố cáo tội ác của bọn địa chủ”… Cứ đọc tuỳ bút sông Đà hay “vợ chồng A Phủ” thì rõ
Chỉ với văn hào Nguyễn Huy Thiệp, Tây Bắc hiện ra huyền bí với Thần Viên núi Tản, với đám thợ sơn tràng, với ba ba thuồng luồng của Sơn tinh…
Nhưng Tây Bắc đẹp đến huyền hoặc dưới ngòi bút Ông Thiệp, đẹp như một ám ảnh hội hoạ vượt thời gian:
“Hoa ban hỡi, ngàn năm trước mày có trắng như thế này không?”
Ông Thiệp là người đồng bằng Bắc bộ, nhưng lại chính là người hoạ hình Tây Bắc theo cách nguyên sơ nhất.
Tây Bắc là một mật ngữ, khi trôi ra bằng
câu chữ nặng nghìn cân của ông Thiệp.
Tây Bắc đẹp bao nhiêu, thì đám thị dân người Kinh của ông Thiệp là xấu xa, tàn nhẫn bấy nhiêu. Ngẫm cũng lạ, hình như ông ấy dành hết tình yêu cho vùng sơn cước. Hoặc giả, Thị dân Nguyễn huy Thiệp chỉ gặp những “tinh hoa” của một hệ thống “đỉnh cao trí tuệ loài người”
Nên mới có câu đối thoại: “Ai biểu quyết bố chết?” từ miệng người con trai. Chỉ cần câu này, ta có thể đoan chắc nền giáo dục xã nghĩa đã thành công rực rỡ.
Nên mới có nữ Bác sĩ lấy thai nhi nuôi chó berger, có bố chồng nhòm trộm nàng dâu tắm rửa…
Và nó cũng là tố chất không thể thiếu của bậc văn hào: lấy cái cá thể để mô tả thành sự phổ quát.
Bức tranh thị dân của Ông Thiệp thật muôn phần kinh hãi.
Và Ông hạ bút: “Thương lắm!”
Thương được những người- quỉ ấy, văn Ông Thiệp đã đầy Phật tính.
…
Vài dòng viết vụn để tưởng nhớ Ông. Mong bạn bè thể tất.