Hiếm hoi lắm mới nghe được một bản ghi âm hợp xướng của hàng trăm chàng trai Nga khoẻ mạnh, cường tráng. Mà không chỉ quân nhạc, họ hát đủ thứ, kể cả nhạc Noel.
Nước Nga vĩ đại. Và giàn hợp xướng L’Armee Rouge của Hồng quân Nga cũng thế.
Không hay, không tuyệt trần như Berlin Phiharmoniker, nhưng họ tạo cho ta cảm giác kinh ngạc về sự nhất thể hoá của hàng trăm con người đều tăm tắp như một. Điều mà các thể chế chuyên chế hay độc tài làm rất giỏi.
Nhưng khi Vincent Niclo, một danh ca tenor Pháp lĩnh xướng trên nền hợp xướng Hồng quân này thì tuyệt đỉnh. Giọng nam cao, ươn ướt kiểu Elvis Phương, bay bổng như cánh chim bằng trên cái nền hành khúc đều tăm tăp kia, quả thực là một khoái cảm rất lạ.
Tôi vẫn hay nghe đĩa nhạc Vincent Niclo avec Les Choeus de L’Armee Rouge với sự thích thú đặc biệt. Vì sự phối hợp này như nước mềm chảy trên đá cứng, như gió lồng lộng với tù hãm, như chim tung cánh với lồng vàng chật chội…
Nhất là khi thử lại giàn máy sau một tinh chỉnh nào đó. Âm thanh dày dặn, nên hay dở nó bộc lộ ra hết.
Đêm qua, sau khi lọ mọ gắn thêm một phụ kiện vào giàn máy, nghe lại bản thu “Funiculi funicula” thì ôi mẹ ơi, lần đầu tiên tôi nghe được từ cái loa bên phải một tiếng huýt sáo rất nhẹ.
Trên nền nhạc sử thi hùng tráng rầm rập kia, tiếng huýt sáo đầy chất cozack Nga kia như cánh cửa sổ lồng, đầy tự do, lồng lộng cất len như chính khát vọng tự do, “lang thang như gió”, thoát ra khỏi bộ quân phục cứng ngắc kia…
Chỉ một tiếng huýt sáo thôi, mà cả đoạn nhạc hùng tráng đều tăm tắp ấy được hoá giải hoàn toàn. Và nó đem lại một lạc thú rất lạ lùng cho người nghe nhạc.
Một chút hiểu biết về âm học, cộng với thiết bị tinh xảo thì mới nghe được tiếng huýt gió thần thánh trên thảo nguyên đó.
Hiểu biết ấy là nhiều đêm đọc sách.
Thiết bị ấy, là thêm một lần bán thận!