- Thầy thầy, chiều nay đi dạy về sớm nghen thầy. Cô tiếp tân một khách sạn quen ở miền Tây do một đồng nghiệp tôi làm chủ gọi giật ngược ra chiều phấn khích lắm.
- Chi?
- Dạ tối nay có đờn ca tài tử bên hồ bơi, thầy nhớ coi. Hay lắm!
- Chết mẹ! (hắn nghĩ thầm mà không dám than ra miệng)
Đúng là “chết mẹ” thiệt! Đêm qua, mặc dù đã đóng cửa, kéo màn kín bưng, hắn phải chịu đựng những âm thanh chát chúa của guitar phím lõm điện, organ éo éo, và những giọng ca chua loét, khê đặc. Và ca sĩ là những cô gái bà ba mỏng tang, ôm sát co người, son phấn rất đậm, mascara dày và môi mọng theo kiểu Kim Tử Long hay Ngọc Huyền phiên bản. Trên một sân khấu sáng rực, chớp tắt xanh đỏ.
Người ta đã cưỡng bức đờn ca tài tử, đã nhốt nó vào một không gian giả đến mức không thể giả hơn. Nói thật, đờn ca tài tử không hay, nhưng cũng không quá dở. Nó là tiếng lòng thổn thức, những tình cảm thương nhớ người yêu, cố hương… của những lưu dân Nam bộ trong phút nông nhàn. Nó phải được cất lên trong thôn xóm, gia đình, hay mênh mang trên sông nước miền Tây mà không cần tăng âm, đèn màu, uốn éo…
Và nó át hẳn tiếng xuồng máy xình xịch trên sông Hậu, cả tiếng sóng vỗ ì oạp vào bờ…, như nó vẫn thế hàng trăm năm trước.
Nó phải chơn chất như chính miền Tây. Âm nhạc như vậy là âm nhạc thật thà. Nghe được cái chất thật thà như khi Hương Lan cất giọng “đi đâu cho thiếp theo cùng…” thật là thốn và cảm động đến tận óc.
Hay nó phải vang lên trong một nhà hát hình nón lá trên mặt nước, điều kiện âm học rất chuẩn như nhà hát Cao văn Lầu ở Bạc Liêu. Không gian ấy, âm thanh ấy làm vinh danh chính cái âm nhạc vang lên trong lòng nó, và đi thẳng vào lòng ta.
Thứ âm nhạc thật thà của đồng quê Nam bộ ấy không thể là một sản phẩm du lịch đậm màu son phấn trên sân khấu, như người ta đã làm với hò Huế trên sông Hương từ nhiều năm trước.
Lại lẩn thẩn mà nghĩ thêm rằng: cái cách cho, cái áp đặt cái mình thích cho người khác, bất kể người nhận có ưng bụng hay không cũng là một lề thói xã hội cần bỏ. Ép rượu, gắp đồ ăn cho nhau mặc dù người ta nuốt không trôi, hay háo hức ép cả khách sạn yên tĩnh cũng chịu đựng đờn ca tài tử đều thô thiển như nhau.
Nói cho cùng, ép nhận cái người ta không muốn nhận cũng kém nhã nhặn như từ chối cái người ta cần. Vậy thôi mà nhiều người không chịu hiểu!
Tóm lại, lần sau mà có đêm nhạc đờn ca tài tử thì hắn sẽ biến mất dạng, vãn tuồng thì về ngủ.