Nói về Thái Thanh thì bất tận ngôn, mấy hôm nay biết bao nhiêu bậc cao nhân đã viết về thứ âm nhạc cao quí, sang trọng mà Bà đã để lại cho cuộc đời.
Bà chính là người sáng tạo thứ 2 sau người sáng tạo đầu tiên: tác giả của nhạc phẩm.
Nghe giọng soprano trong vắt của Bà, không thể không liên tưởng một Maria Callas hát bằng tiếng Việt: thẳng thớm, điêu luyện, note nào ra nôte đó, không cố ý luyến láy chuyển tiếp giữa hai note rất khó chịu và sến súa như ta vẫn thường thấy trong các màn “tân cổ giao duyên” .
Thái Thanh, ca nhân của dân tộc, đã làm chủ kỹ thuật thanh nhạc Tây Phương một cách tài tình, như thể Bà đã thụ giáo ở các nhạc viện Tây phương, thay vì tự học qua báo chí Pháp văn mà các anh đặt mua.
Nhưng còn hơn thế nữa, khi nghe kỹ những bản thu trước 75 vẫn còn được lưu giữ, ta còn thấy được Bà đã làm được một điều tưởng khó như lên trời: kết hợp kỹ thuật nhấn nhá, luyến láy của chèo, quan họ, của dân nhạc… vào cái nền thanh nhạc rất đỗi Tây phương kia.
Kỹ thuật hát mỗi note Đô mà nhấn nhá những microtone, như thể một nhạc công đàn bầu lắc cổ tay, hay người chơi đàn nguyệt rung ngón tay bấm phím mà chính bằng giọng hát thật phi thường.
Nói cách khác, Bà, chính Bà là người làm chủ được cuộc hôn phối giữa tứ đức của người quan họ, “vang, rền, nền, nã” và kỹ thuật thanh nhạc hàn lâm của Tây phương.
Và Bà làm điều ấy bằng con tim mẫn cảm với “vận nước nổi trôi”, bằng dây thanh âm vàng ròng của mình. Nó khác, khác lắm với kỹ thuật cộng minh bằng các hốc xương mặt, kéo dài hơi nhấn nhá khoe giọng mà vô hồn của các “diva” học hết sách vở ở các nhạc viện hay trường nhạc quân đội.
Bằng cách đó, Bà hát “Le beau Danube bleu” với kiểu staccato như thể là người cùng thời với Johann Strauss. Mà khi Bà cất giọng: “quê hương tôi có con sông đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng vuông vắn” như một cô thôn nữ nước Việt thả giọng trên sông nước mênh mang của quê hương mình.
Trái tim và giọng hát được giáo dục theo tinh thần văn công nhạc cảm thì thiếu nhưng tự mãn thì thừa không thể nào “khóc cười theo vận nước nổi trôi” như Thái Thanh đã sống, ca hát cả cuộc đời được.
“Nhạc Phạm Duy còn, nước Việt còn”, tôi đã tin chắc điều này. Nhưng nếu không có Thái Thanh với những microtone thần sầu kia, thì âm nhạc kia chỉ là những tác phẩm dang dở còn nằm trên giấy….
Hãy nghe “Đưa em tìm động hoa vàng”, thơ Phạm Thiên Thư, Phạm Duy phổ nhạc, Thái Thanh hát:
“Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say”…
Thơ ấy là chân thi ca.
Nhạc ấy là chân âm nhạc.
Giọng hát ấy là chân thanh nhạc.
Ba con người, ba đấng bậc tài hoa cùng thời, cùng dẫn ta về những khoảng khắc, không gian mà nếu không có tác phẩm của họ, ta không bao giờ trải nghiệm được như Từ Thức lạc Thiên Thai.
Họ là những tinh cầu của văn hóa Việt độc sáng và cùng lấp lánh, rạng rỡ trong muôn vàn tinh tú của văn hóa miền Nam.
Và rồi một thiên thạch ghê tởm, quái gở đâm vào chòm tinh tú ấy.
Một cú Big Bang về văn hóa,
Sau đó là im lặng, tối đen…..
Hố thẳm của vô minh, bạc ác, bất tài, vô lương… hình thành từ đây!
Thái Thanh nay đã về trời.
Thái Thanh, người không đặt ra giới hạn về thanh nhạc cho nhạc sử Việt Nam: vì giọng hát của Bà là khôn sánh, vô đối và bất khả vượt qua. Vì nó không những là thanh âm, mà còn là phản chiếu của một tâm hồn Việt thanh nhã, sang cả, đài các nhưng lại đầy ắp dung dị của đồng quê Việt.
Thái Thanh là không thể vượt qua, như Maria Callas trong opera. Nhưng Bà đặt ra cột mốc: Sau Thái Thanh, không ai hát được như thế. Trước Thái Thanh, chưa ai biểu đạt được bài này.
Hậu thế sẽ bảo nhau như thế!
Và như chuyện ông vua cởi truồng, Thái Thanh đặt ra một phân định rõ ràng: nghe Thái Thanh mà không thấy hay, không thấy cái đẹp sang cả của một tâm hồn Việt rung lên qua từng thanh âm… thì chỉ có thể là mù âm nhạc. Chắc chắn!
Nghiêng mình tiễn biệt Bà, tiễn biệt luôn cả một tuổi thơ với “quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn” trên radio đài tiếng nói Việt Nam của VNCH.
Thái Thanh, người mà “thác là thể phách, còn là tinh anh”…
“Thôi thì thôi nhé, cũng ngần ấy thôi”…