“Take my hand, take my whole ride too”
______________________________________________________________
Xét về nhiều mặt, cây đàn piano là một sinh vật vô cùng nhạy cảm và không ưng xê dịch. Chỉ cần một chuyến dọn nhà, bưng lên để xuống, kéo qua vài đoạn hành lang, hệ thống sound board với lực căng dây lên đến 70 tấn của nó đã rùng mình kinh động. Chỉ một chút di lệch thôi, cũng đủ làm bộ dây chênh đi vài Herzt, mà những đôi tai không rành rẽ sẽ không cách gì nhận ra. Nhưng cái chênh lệch vi tế đó vẫn còn, nó làm cho âm thanh đùng đục, nó làm mất độ ngân nga trong trẻo của bè tay phải, làm u tối cái vang động như sấm rền của bè tay trái.
Cây piano không còn là của ta nữa. Nó xa lạ, nó lạc điệu với lòng ta. Và dưới ngón tay ta, những phím ngà không còn truyền tải những rung động nồng nàn, nhạy cảm…, như thể khi chạm vào một làn da quen ấm!
Từ một công xưởng xa xôi bên bờ đại dương, dù người ta đã cố gắng “nhiệt đới hoá” tối đa, cây piano ở góc nhà vẫn chẳng thể nào thích nghi được với khí hậu sáng nắng chiều mưa của Sài Gòn. Một cơn mưa chiều sầm sập với rất nhiều hơi nước cũng đủ làm cây đàn u tối lại, hệ thống phím và búa gõ không còn nhạy cảm, không nảy lên dưới ngón tay. Ngược lại, một ngày đầy nắng, gió, ánh mặt trời… lại làm âm thanh khô khốc, cục cằn. Và bộ phím êm ái của nó lại xóc nảy dưới ngón tay, như một chiếc xe lỡ bơm căng quá mức.
Nên người ta phải khổ công nuôi dưỡng cái vi khí hậu bên trong cái thùng đàn im lìm kia bằng một hệ thống gây ẩm – khử ẩm tinh vi (humidifier – dehumidifier), để cái khối gỗ nằm trong góc nhà khi nào cũng có thể thở ra những âm thanh không đùng đục nước, không quá khô khan. Mà lại ấm mềm như một bờ môi hé mở…
Piano đỏng đảnh, nhưng piano cũng yêu kiều như một vật nuôi. Bao nhiêu tháng ròng bỏ bê, bộ búa nỉ không được thích nghi, không được “điều kiện hoá” với mặt dây đàn. Nên khi ngón tay đặt xuống phím đàn, truyền một lực qua 14 cơ phận, thì cái chạm của búa nỉ vào dây chẳng khác gì một cuộc nhân duyên khập khiễng. Âm thanh vùng vằng, nó không chịu tuân theo ngón tay, không truyền được cái cảm xúc từ lực nhấn phím để thoát ra những âm thanh gọn ghẽ, tròn trịa. Cho đến khi những phím, những búa, những dây đó được thuần hoá bằng những lực cánh tay, vai, ngón tay đổ sầm sập như một concerto của Rachmaninoff, hệ thống tinh vi ấy mới được “burn-in” để cất lên tiếng hát ngân nga, đúng ý con người đang khổ sở thuần hoá vật nuôi khó tính đó.
May mắn lắm mới có một đêm chơi đàn mỹ mãn. Mà nhất là sau một giờ gió quất vào mặt, lao vun vút vào bóng đêm với tiếng động cơ gầm rú, ta được quay về với góc nhỏ âm thầm nơi cây piano đang đợi.
Đã lâu lắm rồi, lòng lạnh, không đủ an yên để chạm vào đàn…
Và chính cái khoảng decresendo-diminuendo, cái khoảng lặng bất chợt đó, đã làm cho cây piano vang lên giai điệu “Can’t help falling in love with you” như một bản thánh ca uy nghi, tráng lệ. Nó đầy van xin, khẩn cầu như một khúc Requiem tiễn biệt. Nó da diết, hiu quạnh dù ở gam trưởng. Nó chao lượn như những hạt quantum từ thuở khai thiên lập địa. Nó đầy nuối tiếc, nhưng không hề hối tiếc.
Và khi những âm thanh cuối cùng lặng xuống, nó vẫn day dứt ngân nga, như một tiếp nối với tiếng động cơ gầm rú của một chuyến xe đêm: “Take my hand, take my whole ride too”
Một đêm nhạc với lòng an và lạnh, tay run rẩy và mồ hôi đầy mặt. Chẳng phải lúc nào, âm nhạc cũng đầy an ủi, như một lời kinh đêm.