
Ông bà cụ V. không phải một cặp đẹp đôi, một “nice couple” theo cách nói của Âu Mỹ, chí ít là khi nhìn bên ngoài. Cụ ông, 93 tuổi, cao 1m85, cựu nhân viên kiểm lâm thời Pháp.
Cao niên nhưng vẫn còn nhiều nét phong lưu. Dong dỏng cao, chân đi sải dài, chuyên mặc áo quần trắng, đội mũ phớt trắng. Và cái cách ông cụ nhấc mũ chào tôi rất chic làm ta nhớ ngay đến nhân vật Tuấn, chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ tiên sinh hồi đầu thế kỷ. Nói thạo tiếng Tây, sành rượu và ẩm thực Pháp, ông cụ V. luận về phô mai cứ thao thao bất tuyệt như dân Cự Đà bàn về các loại tương chao.
Tóm lại, ông V. là một mẫu đàn ông viên mãn với một tuổi già thong dong, nhàn hạ mà ai cũng phải ao ước.
Ngược lại, cụ bà thì hom hem quá thể. Đủ thứ bệnh tật trong người, mỗi ngày phải uống hơn chục loại thuốc. Tháng tháng, cụ ngồi xe lăn, giương đôi mắt mờ đục đi khám bệnh.
Theo lời kể của con cái, họ lấy nhau không phải vì tình. Như bao cuộc hôn nhân thời đó, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, họ kết hôn theo sự xếp đặt của gia đình. Một cuộc hôn nhân “môn đăng hộ đối”, hiểu theo nghĩa xứng hợp về gia phong, giáo dục, cách nghĩ…
Không biết nhiều lắm về họ, nhưng nhìn cách gia đình họ đối xử với nhau khi đi khám bệnh, cũng đủ biết gia phong nhà này rất “bảnh”. Anh con trai cụ V., chắc cũng ngoài 60, luôn luôn lễ phép “ba khám xong rồi, đã đến lượt con đưa má vào gặp bác sĩ”. Hoặc: “con mời ba nằm lên giường để bác sĩ khám!”
Thật kỳ lạ, tuy nghe qua rất khuôn sáo, nhưng khi được thốt ra từ miệng một người con tóc đã hoa râm lại không thấy chướng tai chút nào. Nó thật sự là lòng cung kính, lễ phép, là sự chăm chút cho cha già mẹ yếu. Quan sát anh con cụ V. hầu cha mẹ đi khám bệnh, chỉ thấy lòng ngấm ngầm cảm động (pha chút ganh tị). Chắc gì tuổi già của tôi đã may mắn được như thế?
Gia phong như thế mới quả thực là “gia đình văn hoá”, theo cách tung hô thời thượng bây giờ.
Cách những thành viên gia đình cụ V. đối xử với nhau rất mực “tương kính như tân” làm cho mỗi cuộc khám bệnh cho họ là một niềm vui và mang lại nhiều ngẫm nghĩ.
Nhưng quả là một bất ngờ, sau một lần khám, khi chỉ có mình tôi với bệnh nhân, bà cụ V. ngước đôi mắt mờ đục, nhoẻn miệng (còn rất ít răng) nhìn tôi mà bẽn lẽn thế này:
– Bác sĩ trị giùm làm sao… cho tôi chết trước ảnh nghen!
Yên lặng hồi lâu….
Tôi đoan chắc, thời cụ V. không có các chuyên viên tâm lý tư vấn hôn nhân gia đình nhan nhản trên báo như bây giờ. Thời ấy, hẳn không có chuyện sống thử. Thời ấy, cha mẹ đặt đâu ngồi đấy, làm gì có chuyện tìm hiểu hay “sinh hoạt” trước hôn nhân. Cụ ông cụ bà nhà ta lấy nhau nào phải vì tình, mà là một cú well-matching do song thân sắp đặt.
Hoá ra việc cưới xin sao cho môn đăng hộ đối cũng có cái hay tuyệt của nó. Không bàn đến sang hèn, sự tương xứng về gia phong, nếp nghĩ, giáo dục gia đình… đã thật sự là nền tảng của sự “well-matching” bền vững cho một cặp bạn đời. Nền tảng đó, bất kể mọi lý luận nhạt nhẽo về tâm lý, hôn nhân gia đình, đã cho xã hội một cặp vợ chồng hoàn hảo, đã mang lại một sự gắn bó vượt thời gian qua lời yêu cầu rất dễ thương của bà cụ V. Quả thực, cụ ấy không chịu nổi cảnh phải làm ma chay đưa tiễn người đàn ông duy nhất của đời mình.
Với câu kết bất hủ “Yêu là không bao giờ phải nói chữ hối tiếc”, Love Story của Erich Segal đã là tuyên ngôn của nhiều thế hệ. Nó đẹp, rất đẹp nữa là khác. Nhưng bền chặt hay không, không ai dám chắc!
Duyên lành của bà cụ V, hẳn không phải do đọc Love Story mà có, phải không các bạn?